Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Truyền thuyết về lân (ngắn gọn)

Truyền thuyết về lân:
Xa xưa, hàng năm vào những ngày Tết, các làng chài ven biển ở Trung Quốc thường bị một loài thủy quái (gọi là Nien, đọc là "niên" - đồng âm với "năm"- tiếng Hoa) hung dữ từ dưới đại dương xâm nhập, phá hoại nhà cửa, giết chết cả người lẫn súc vật. Vì thế, thay vì được hưởng không khí vui xuân, hưởng lộc tại nhà, mọi người phải kéo nhau lên núi lánh nạn thủy quái. Lời cầu cứu vang khắp đất trời, Ngọc Hoàng phái Phật Di Lặc hoá thân thành ông Địa xuống trần gian để cứu giúp chúng sinh khốn khổ. Để thu phục nó, ông Địa (với sự giúp sức của sư tử) dụ con Nien ăn một loại cỏ tiên gọi là Linh chi thảo khiến nó từ một con vật dữ tợn ưa ăn thịt người trở thành một loài thú hiền lành thích ăn các loại rau quả. Sau đó, ông Địa đưa con Nien về trời. Hàng năm, vào những ngày Tết, ông Địa dẫn con Nien (lúc này đã được gọi là con Lân) trở lại trần gian, cùng đi chúc Tết mọi nhà "Hạnh phúc tràn đầy, Tài lộc dồi dào" trong nền nhạc náo nhiệt đón Xuân.

Một truyền thuyết khác, Lân là một trong Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) do Thái Thượng lão quân nuôi. Một hôm, Lân lén trốn chạy xuống trần gian chơi. Thấy cảnh vật trần gian hữu tình, Lân ở lại không chịu trở về trời, tự tung tác quái. Nghe tin chẳng lành, Thái Thượng lão quân nhờ Phật Di Lặc hạ giới để thu hàng con "nghiệt súc". Lân bị bắt về Thiên đình, khắp mọi miền, làng mạc, bà con hân hoan tống tiễn bằng hàng loạt tiếng trống vang dội, họ đốt pháo như sấm nổ, mong Lân sợ không dám quay lại. Rồi từ đó, mỗi khi Tết đến, như nhớ lại tích xưa, người Hoa lại tổ chức múa Lân với ý nghĩa: chúc lành, cầu may mắn ngay từ những ngày đầu xuân mừng năm mới.

Với những dân tộc có nền văn minh lúa nước, phải chăng Long (rồng) là mưa, là gió, là thời tiết, Lân (Nien) là nước, là lụt bão, Sư (sư tử) là đất, là bản làng? (Tương tự như truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh ở Việt Nam). Mưa không thuận, gió không hòa, bão lụt thiên tai là điều đáng sợ nhất. Vào thời xa xưa, khi con người thường phải thần thánh hóa những hiện tượng "trái gió trở trời" nên hình tượng Long - Lân - Sư phát sinh từ đây?














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét