Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Các truyền thuyết liên quan đến trung thu

Đêm Trung Thu trăng sáng như gương, khí hậu mát mẻ, người người vui vẻ đón trăng lên như một điều tất yếu của trời đất. Nhưng ngày tết Trung Thu hình thành như thế nào và những truyền thuyết xung quanh nó như truyền thuyết chị Hằng, truyền thuyết bánh Trung Thu hay truyền thuyết đèn kéo quân từ đâu mà có, hiển nhiên không “tất yếu” như trăng sáng ngày rằm.



Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Đường thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Ngắm Trăng. Xung quanh ngày tết Trung thu, có rất nhiều các truyền thuyết đã được thêu dệt

Truyền thuyết về bánh trung thuTrung thu là lễ hội để tưởng nhớ cuộc nổi dậy chống quân Mông cổ của người Trung Nguyên vào thế kỷ 14. Bằng một kế họach khéo léo, quân nổi dậy đã nhét những mẩu giấy có ghi ngày khởi nghĩa là ngày 15 tháng 8 (âm lịch) vào trong nhân chiếc bánh để ăn trong ngày rằm rồi phân phát cho người dân. Khởi nghĩa thắng lợi và ngày rằm trở thành ngày trọng đại trong năm, chiếc bánh trung thu cũng trở thành thứ không thể thiếu trong ngày đó. Không biết ngày xưa thứ bánh đó được làm thế nào, còn ngày nay những chiếc bánh trung thu thường được làm bằng bột, hạt sen, hạt vừng, lòng đỏ trứng và một vài thứ gia vị khác.


Truyền Thuyết về Hằng Nga
Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân gần như không thể sống nổi. Chuyện này đã làm kinh động đến một anh hùng tên là Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời. Hậu Nghệ đã lập nên thần công cái thế, nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.
Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga. Ngoài dạy học săn bắn, cả ngày Hậu Nghệ luôn ở bên cạnh vợ, mọi người đều ngưỡng mộ đôi vợ chồng trai tài gái sắc này.Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị Bồng Mông nhìn thấyBa ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử. Hằng Nga biết mình không phải là đối thủ của Bồng Mông, trong lúc nguy cấp đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.
Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Hậu Nghệ vừa lo vừa giận, đã rút kiếm tìm giết nghịch đồ, nhưng Bồng Mông đã trốn đi từ lâu. Hậu Nghệ nổi giận nhưng chỉ biết vỗ ngực giậm chân kêu khóc. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người cử động trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.
Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.

Truyền thuyết múa lân

Cách đây nhiều thế kỷ có một ngôi làng có tên là Thái Hàng, cư dân ở ngôi làng này sống bằng nghề nông ngư nghiệp. Năm đó, cách ngày rằm tháng tám vài ngày, ngôi làng đã bị một cơn bão lớn hoành hành gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi dân làng đang khắc phục hậu quả của cơn bão thì một con trăn khổng lồ xuất hiện, nó bắt và ăn thịt hết những vật nuôi của dân làng. Theo một số vị trưởng lão trong làng thì con trăn khổng lồ đó chính là con của một con rồng chúa. Cách duy nhất để đuổi con trăn đó đi là phải đốt lửa và nhảy múa ba ngày ba đêm trước ngày trung thu. Dân làng đã làm theo như thế và đốt thêm cả pháo nữa, quả nhiên ba ngày sau, con trăn đã biến mất theo cơn cuồng phong

Truyền thuyết đèn kéo quân
Ngày xưa, gần đến dịp tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: "Ta là Thái Thượng Lão Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua".

Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: "Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. 


Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.
Từ đó, mối khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.

Ngày nay
, các cửa hàng cũng bày bán la liệt những chiếc đén lồng đủ lọai màu sắc với hình các con vật, gần đây các hình đó còn được bổ sung thêm hình máy bay và tàu thủy, những phương tiện của thế gới hiện đại. Vào ngày rằm, các em nhỏ được cha mẹ cho phép thức khuya hơn, được đến những địa điểm tụ họp chung cùng với bạn bè để chơi đèn lồng và ngắm trăng. Các công viên cũng rực rỡ hẳn lên với hàng nghìn chiếc đèn lồng với đủ lọai màu sắc, kích cỡ và hình dáng
giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét